Lối chơi Cry of Fear

Cry of Fear là trò chơi bắn súng góc nhìn thứ nhất (First-Person Shooter) kết hợp giải đố và kinh dị, bao gồm cả kiểu chơi một người và nhiều người. Ngoài việc đơn thuần là cầm vũ khí và chiến đấu thì người chơi còn phải tìm ra các manh mối, những câu giải đố để hoàn thành những mục tiêu cần làm. Trò chơi mang nhiều điểm chịu ảnh hưởng của một số bộ phim và các trò chơi kinh dị khác như Resident Evil, Ju-on: The Grudge và Silent Hill, nhưng yếu tố ảnh hưởng nhiều và mạnh nhất là Silent Hill (do trưởng nhóm là một người hâm mộ Silent Hill).

Có 4 độ khó khác nhau trong Cry of Fear là Dễ (Easy), Bình Thường (Medium), Khó (Difficult) và Ác Mộng (Nightmare). Trong đó, mức độ Bình Thường (Medium) là mức độ chuẩn được dùng trong các chế độ chơi không có phần chọn độ khó. Độ khó Ác Mộng là độ khó mở rộng, yêu cầu người chơi phải hoàn thành trò chơi một lần để mở độ khó này.

Đặc biệt, khác hẳn so với những trò chơi khác cũng là những bản chỉnh sửa khác của Half-Life, thì Cry of Fear là trò chơi đầu tiên đưa ra một hệ thống túi đồ (Inventory) dựa trên cơ chế của trò chơi Resident Evil. Túi đồ này ngoài việc để chứa đồ, hỗ trợ sử dụng đồ hay vứt bỏ đồ mà ngoài ra còn có các chức năng quan trọng khác như sử dụng hai vũ khí (hoặc các thiết bị khác) cùng một lúc (Dual-Wielding), ghép đồ (Combining), chức năng cài đặt rút nhanh vũ khí hoặc thiết bị (Shortcut). Ngoài ra, trong mục còn có cả sổ ghi chép (Notes), dùng để ghi lại những manh mối của cốt truyện (thường là từ những mảnh giấy có ghi một vài chữ, những lá thư bí ẩn), những mật mã 4 số dùng để mở các cửa, thang máy,... được khóa bằng bảng mã điện tử.

Túi đồ bao gồm hai bộ phận là Pockets (Túi quần, túi áo của nhân vật) và Bag (Cặp học sinh của nhân vật) trừ việc sau khi thoát khỏi toa tàu để đi xuyên rừng thì sẽ chỉ còn phần Pockets, nhưng trong phần chơi nhiều người thì hai bộ phận này được gắn vào làm một gọi là Uniform (Bộ cảnh phục). Mỗi bộ phận gồm có 3 ô vuông (tương đương với ba chỗ trống để đựng đồ). Mỗi một đồ vật (không tùy thuộc kích thước vật lý lớn hay nhỏ, trừ các loại đạn súng và các đồ vật đặc biệt) đều chiếm vào chỗ trống là một ô vuông.

Hệ thống lưu lại phần chơi cũng mới hoàn toàn và cũng dựa trên cơ chế của Resident Evil, người chơi không còn được lưu phần chơi của mình tùy ý mọi lúc mọi nơi nữa mà phải tìm đến một máy ghi âm bên trong có một cuộn băng casseette với 5 ô lưu trữ. Trong phần chơi bình thường thì cuộn băng này có thể được ghi không giới hạn. Tuy nhiên trong phần chơi với độ khó là Ác Mộng (Nightmare) - độ khó cao nhất của Cry of Fear, thì một máy ghi âm chỉ có thể sử dụng được 5 lần duy nhất.

Về nội dung, trò chơi này mang nội dung kinh dị, có sự xuất hiện của các nhân tố viễn tưởng như ma, người chết - twitcher (trong Cry of Fear không gọi người chết là zombie), những hiện tượng siêu nhiên huyền bí. Trò chơi còn đưa ra cho người chơi nhiều lựa chọn trong cốt truyện, mỗi một lựa chọn sẽ dẫn đến những tình tiết, kết cục khác nhau của câu chuyện. Trong trò chơi có nhiều chi tiết đánh đố người chơi, buộc người chơi phải suy luận, ngẫm nghĩ cùng với những gợi ý mà trò chơi đã đưa ra, cho nên việc chơi trò chơi này không chỉ đơn thuần là hành động mà còn phải vận động trí óc và suy nghĩ.

Trò chơi còn có cả những nội dung, các đồ vật bị khóa, yêu cầu người chơi phải hoàn thành dần dần trò chơi để mở khóa (Unlockables).

Ngoài phần chơi một người còn có phần chơi nhiều người hoạt động theo kiểu hợp tác. Người chơi phối hợp với nhau và bắn twitcher (người chết) theo hai kiểu: Chơi theo cốt truyện (Story Mode) hoặc chơi theo kiểu sống sót (Suicide Mode - Cách gọi kiểu chơi này của Cry of Fear, tương đương với Survival Mode).Bên cạnh phần chơi cốt truyện thường thì còn có phần Co-op Manhunt với cốt truyện sửa đổi.

Kết thúc mỗi một phần chơi sẽ phần tổng kết, nói về thành tích của người chơi đã đạt được trong phần chơi đó như số phát bắn, số quái vật bị giết bởi súng hay vũ khí cận chiến, số phát bắn trượt, nhìn thấy đoạn kết nào... và cuối cùng là đánh giá kĩ năng bằng thang điểm A, B, C, F, S.